Thứ Năm, 3 tháng 10, 2013

Đề xuất chính sách mới về đất mặt tiền



Việc thu hồi đất dọc 2 bên dự án khi làm đường sẽ chấm dứt tình trạng chênh lệch địa tô rơi vào túi cá nhân đồng thời mang lại cho nhà nước nguồn thu hàng chục ngàn tỉ đồng mỗi năm từ đất đai.


Tài nguyên thiên nhiên và tài sản nhà
nước hiện có cần được đặc biệt coi trọng.


Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ đề án “Khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai và tài sản nhà nước phục vụ phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2013-2020”. Trong đó đề ra nhiều giải pháp nhằm tăng huy động vốn từ nguồn lực quan trọng này.

Thêm nguồn thu lớn

Phạm vi đề án tập trung vào các vấn đề khai thác nguồn lực tài chính từ đất thông qua thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế, phí, lệ phí có liên quan đến đất đai; sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp (DN) nhà nước; tài sản kết cấu hạ tầng giao thông.
Theo đề án của Bộ Tài chính, sắp tới sẽ đấu giá quyền sử dụng đất 2 bên đường mở mới để phần chênh lệch địa tô do dự án mới đem lại không rơi vào túi cá nhân như hiện nay. 

Theo đề án của Bộ Tài chính, sắp tới sẽ đấu giá quyền sử dụng đất 2 bên đường mở mới để phần chênh lệch địa tô do dự án mới đem lại không rơi vào túi cá nhân như hiện nay.Ảnh: HỒNG THÚY


Theo Bộ Tài chính, cơ quan này đề xuất đẩy mạnh thu hồi đất theo quy hoạch, tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất. Hạn chế tối đa tình trạng giao đất, cho thuê đất theo chỉ định. Áp dụng hình thức nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm hoặc một lần cho cả thời gian thuê đối với đất sản xuất kinh doanh, không phân biệt tổ chức trong, ngoài nước và các thành phần kinh tế. Đồng thời thu hẹp đối tượng được giao đất không thu tiền sử dụng đất...

Đặc biệt, Bộ Tài chính đề xuất luật hóa đối với trường hợp thu hồi đất làm dự án mới hoặc mở rộng đường phải thu hồi thêm phần diện tích 2 bên mặt đường, thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo đúng quy định. Sau đó thực hiên đấu giá quyền sử dụng đất 2 bên đường để phần chênh lệch địa tô do dự án mới đem lại không rơi vào túi cá nhân như hiện nay.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất rà soát toàn bộ chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, hạn chế các đối tượng được miễn, giảm. Chuyển các hình thức ưu đãi từ miễn giảm thu sang ưu đãi trực tiếp cho đối tượng thụ hưởng chi để tăng kiểm soát, nâng cao hiệu quả chính sách… Đồng thời sẽ nghiên cứu trình Quốc hội ban hành Luật thuế tài sản, trong đó đối tượng chịu thuế phải gồm cả đất và tài sản gắn liền với đất, đánh thuế nặng hơn đối với đất bỏ hoang, đất đã giao, đã cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, hoàn thiện các chính sách về đất đai sẽ tạo thêm nguồn thu cho ngân sách hàng chục ngàn tỉ đồng mỗi năm. Bên cạnh nguồn thu, hoàn thiện chính sách đất đai còn hỗ trợ cho công tác chỉnh trang đô thị, tạo thêm công ăn việc làm cho DN sử dụng hiệu quả nguồn lực từ đất.

Vốn hóa đất đai

Theo các chuyên gia kinh tế, trong điều kiện việc tăng thu ngân sách chỉ ở mức giới hạn và gặp nhiều khó khăn, việc khai thác các nguồn lực từ đất đai, tài nguyên thiên nhiên và tài sản nhà nước hiện có cần được đặc biệt coi trọng.

Theo ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam, đề xuất đấu giá quyền sử dụng đất 2 bên đường khi làm đường mới đã được đưa vào Luật xây dựng 2003 và Luật quy hoạch đô thị 2009 nhưng không được thực hiện. Cho nên tại Việt Nam vẫn có những con đường đắt nhất hành tinh như đường Ô Chợ Dừa-Hoàng Cầu (Hà Nội) mất 740 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng 574m đường. Có đường mới, giá đất 2 bên đường tăng hàng chục lần nhưng chênh lệch địa tô rơi vào túi những người bỗng chốc có nhà ra mặt tiền. Nhà nước thất thu, bộ mặt đô thị mới cũng không được chỉnh trang do mọc lên nhiều nhà siêu méo, siêu mỏng. Việc Bộ Tài chính đề xuất luật hóa đấu giá dải đất 2 bên đường là cần thiết nhưng đây là vấn đề luật có rồi mà không làm, nay muốn thực hiện thì phải có cách đề xuất quyết liệt hơn mới cải thiện được.

Ông Phạm Sỹ Liêm cũng cho rằng lâu nay các địa phương lấy lý do không thu hồi được đất 2 bên đường vì thiếu kinh phí là ngụy biện. Bởi tiền đầu tư dự án là tiền đi vay, làm đường xong đấu giá đất sẽ có nguồn tiền hoàn trả lại. “Nguyên nhân là do quản lý bị phân khúc, mỗi ngành một hạng mục không phối hợp tốt với nhau. Ai có quyền thì có lợi ích kèm theo nên không làm được” - ông Liêm nói.

“Vấn đề quan trọng của đề án này là sắp xếp lại nguồn lực đất đai, quy định cái gì nhà nước cần nắm giữ, cái gì không cần nắm giữ với nguyên tắc bảo đảm không làm mất mát tài sản của nhà nước” - GS Đặng Hùng Võ nói.

Lãng phí đất nông trường



GS Đặng Hùng Võ cho biết ông quan tâm đến 2 điểm quan trọng của đề án. Đó là các nông, lâm trường quốc doanh chiếm 2,5 triệu ha đất nhưng hầu hết chưa trả tiền thuê đất, sử dụng lãng phí, không hiệu quả trong khi người nghèo nông thôn thiếu đất. Vấn đề này đã có cố gắng nhiều nhưng chưa có kết quả khả quan. Bên cạnh đó, DN nhà nước nắm giữ nhiều khu đất vàng nhưng việc huy động nguồn lực này chưa đạt hiệu quả dù thực tế đã biến thể nhiều qua hoạt động cho thuê, chuyển nhượng. Còn một nguồn lực nữa là đất đai thuộc đơn vị sự nghiệp. Đây là một điểm không thuộc thị trường bất động sản nhưng lại tham gia thị trường không chính thức vì sau kiểm tra cho thấy diện tích này được sử dụng sai mục đích rất nhiều như cho thuê, cho mượn không đúng quy định.

Theo Tô Hà (Người lao động)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét